Gỡ các "nút thắt" về khai thác thủy sản để tăng xuất khẩu vào Châu Âu. Xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc đang bị siết chặt hàng rào kỹ thuật, Việt Nam đang đẩy mạnh khắc phục "thẻ vàng" để khơi thông thị trường Châu Âu.
Trung Quốc thắt chặt quy định nhập khẩu thủy sản
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), từ đầu tháng 7 đến nay, sau khi Trung Quốc phát hiện virus gây bệnh COVID-19 trên 3 túi tôm của Ecuador, hàng rào kỹ thuật khắt khe hơn khiến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đang chững lại.Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết: "2 tháng qua, khi kiểm soát tốt dịch COVID-19, Trung Quốc đã tăng nhập thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, 2 tuần trở lại đây, khi Trung Quốc phát hiện virus gây bệnh COVID-19 trên 3 túi tôm của Ecuador, việc nhập khẩu được siết chặt đã gây ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường này. Tại các thị trường lớn khác của thủy sản Việt Nam cũng vẫn còn khó khăn do tác động của dịch COVID-19" – ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) phân tích, để đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỉ USD trong năm 2020, ngoài các thị trường đang khai thác, Việt Nam cần mở thêm nhiều thị trường mới.
Khắc phục khai thác IUU để tăng xuất khẩu tại Châu Âu
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, từ 1.8.2020, Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu (EU) – Việt Nam (EVFTA) được thực thi, cơ hội tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các nước trong khối EU kỳ vọng sẽ lạc quan hơn nếu Việt Nam khắc phục được các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định).
Tuy nhiên, việc khắc phục "thẻ vàng" IUU đang được các địa phương tích cực triển khai, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Ông Nguyễn Văn Trung - Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) nhấn mạnh: Hiện đang tồn tại hai "lỗ hổng" lớn trong vấn đề thực hiện khai thác IUU cần được khắc phục.
“Thứ nhất là xử lý vi phạm hành chính tại các địa phương. Có xử lý nghiêm các vi phạm hành chính thì những vấn đề khác như giấy phép, sản lượng lên bến… sẽ được chấp hành tốt hơn. Thứ hai là xử lý tàu đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài” – ông Nguyễn Văn Trung nói.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản) – ông Hà Lê cũng đưa ra thông tin: Thời gian qua tình trạng ngư dân vi phạm tại vùng biển nước ngoài, đặc biệt là tại vùng biển chồng lấn Malaysia rất phức tạp.
Trong đợt kiểm tra gần nhất, phía EC đã chấp nhận đề xuất của Việt Nam là tàu cá vi phạm tại vùng biển chồng lấn thì lập danh sách theo dõi, liệt vào dạng nguy cơ cao chứ chưa xử phạt, đối với tàu cá vi phạm tại vùng biển rõ ràng thì phải tiến hành xử phạt
"Dự kiến, cuối tháng 7.2020 sẽ diễn ra cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về IUU. Trong đợt họp này, Cục Kiểm ngư sẽ tham mưu tập trung vào các giải pháp để ngăn chặn được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài" - ông Hà Lê nhấn mạnh.
Hiện tại, Tổng cục Thủy sản đang gấp rút chuẩn bị kế hoạch, nội dung tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của EC (DG-Mare) sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ ba tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU lần thứ tư khi tình hình dịch bệnh COVID-19 tại EU khả quan hơn.