Gần 50% doanh nghiệp chưa xuất khẩu được hàng vì COVID-19. Khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Bộ Công thương ghi nhận 57,7% doanh nghiệp cho biết thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh; 47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.
ình hình xuất khẩu tháng 5-2020 vừa được Bộ Công thương công bố từ kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó về thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho biết thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh.
47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được. Hoạt động xuất nhập khẩu từ đầu quý 2-2020 đã chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19, đặc biệt ở các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như: EU, Mỹ, Nhật, ASEAN…
Dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5-2020 đạt 37,9 tỉ USD, tăng 5% so với tháng trước, nhưng giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 196,84 tỉ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, 3 nhóm hàng chính là nông - thủy sản, nhiên liệu - khoáng sản và công nghiệp chế biến tình hình xuất khẩu có cải thiện so với tháng trước, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2019 thì giảm mạnh, trong đó giảm mạnh nhất đến 60,6% là nhiên liệu - khoáng sản.
Bộ Công thương cũng ghi nhận Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020 với kim ngạch đạt 24,6 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc giữ mức 16,3 tỉ USD, tăng 20,1%.
Các thị trường lớn còn lại gồm Hàn Quốc, Nhật, ASEAN, EU lần lượt mang về cho Việt Nam từ 7,7-12,9 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu tính từ đầu năm đến nay.
Để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục rà soát, tính toán lại kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu năm 2020. Đồng thời xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế, đặc biệt là thị trường EU và các thị trường mà Việt Nam đã có các hiệp định thương mại đã ký kết.
Đặc biệt, việc nghiên cứu, nắm bắt thông tin về các xu thế sản xuất, tiêu dùng, thương mại, dịch chuyển đầu tư mới xuất hiện do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại các nước nhập khẩu cũng như đối thủ cạnh tranh sẽ được đẩy mạnh triển khai, nhằm đề ra các giải pháp khai thác hiệu quả các thị trường xuất nhập khẩu này khi dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả từ các nước.